Công trình nổi bật Bệnh_viện_Phong_–_Da_liễu_Trung_ương_Quy_Hòa

Trại phong Quy Hòa được nhiều người biết đến gắn với quãng đời nằm điều trị và mất tại đây của thi nhân Hàn Mặc Tử (1912-1940). Hàn Mặc Tử phát hiện mình có những dấu hiệu bất thường từ năm 1935 nhưng không để ý. Sau khi bệnh trở nặng, ông còn được gia đình đưa đi trốn nhiều nơi. Tới 20 tháng 9 năm 1940 ông mới nhập nhà thương Quy Hòa điều trị, mang số bệnh nhân 1.134 nhưng chưa đầy 2 tháng, ngày 11 tháng 11 năm 1940, Hàn Mặc Tử đã qua đời. Ông được an táng trong khuôn viên trại phong. Trước khi mất, Hàn Mặc Tử có một di nguyện rằng khi qua đời sẽ được chôn trên đèo Son. Đến năm 1959, bạn bè và người thân của ông đã cải táng và di dời phần mộ của ông về Đồi Thi Nhân, Ghềnh Ráng cách trại phong Quy Hòa không xa. Năm 1995, Trại phong Quy Hòa đã tái hiện phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mặc Tử chính là căn phòng Hàn Mặc Tử nằm điều trị, với nhiều di vật và tư liệu.

Từ cuối những năm 1980, bệnh viện đã xây dựng vườn tượng danh nhân y học thế giới và tượng đài Gerhard Armauer Hansen (29 tháng 7-1841 – 12 tháng 2-1912, là bác sĩ người Na Uy, được biết đến nhờ công trình khám phá vi khuẩn Mycobacterium leprae năm 1873 là nguyên nhân gây bệnh phong cùi). Vườn tượng danh y với gần 30 trụ tượng cao khoảng 2m nằm trong rừng phi lao. Trên mỗi trụ là tượng bán thân của một danh nhân y học nổi tiếng từ cổ đến kim của thế giới và Việt Nam như: Hippocrate, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, A.Yersin, L. Pasteur, Tôn Thất Tùng… Bệnh viện đã có chủ trương phát triển du lịch, giải trí để xóa bỏ mặc cảm về bệnh phong.

Ngoài ra nơi đây còn có quần thể những công trình kiến trúc được xây dựng theo phong cách kiến trúc của hơn 80 quốc gia trên thế giới làm lên nét độc đáo của tổng thể bệnh viện.